Luật lao động Nhật Bản và đãi ngộ của thực tập sinh

Thực tập sinh kỹ năng được áp dụng Luật tiêu chuẩn lao động của Nhật Bản và được pháp luật bảo vệ trong quan hệ lao động với công ty tiến hành thực tập.

 

(1) Hợp đồng lao động

- Khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ghi rõ bằng văn bản các điều kiện lao động (trường hợp người lao động có nguyện vọng thì có thể ghi rõ qua fax, tin nhắn điện tử, mạng xã hội v.v...). Theo đó, Bản các điều kiện lao động được lập và ban hành.

Trong Bản các điều kiện lao động có ghi các nội dung sau:

a) Thời hạn hợp đồng lao động

b) Địa điểm làm việc (thực tập kỹ năng)

c) Nội dung công việc phải thực hiện (ngành nghề hoặc thao tác)

d) Các nội dung về thời gian bắt đầu và kết thúc công việc, có làm quá thời giờ làm việc quy định hay không, thời giờ giải lao, ngày nghỉ, nghỉ phép v.v…

e) Tiền lương (tiền lương cơ bản, tỷ lệ tăng lương làm ngoài giờ quy định)

f) Các điều khoản về thôi làm

- Bạn hãy nhận, kiểm tra kỹ nội dung vàtự bảo quản thật cẩn thận Hợp đồng lao động và Bản các điều kiện lao động từ công ty tiếp nhận. 

 

(2) Thời giờ làm việc, nghỉ giải lao và ngày nghỉ

a) Nguyên tắc về thời giờ làm việc, nghỉ giải lao và ngày nghỉ

- Theo Luật tiêu chuẩn lao động về nguyên tắc không được phép bắt làm việc quá 8 giờ 1 ngày, 40 giờ 1 tuần (thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật).

- Nếu thời giờ làm việc quá 6 giờ thì phải được nghỉ giải lao 45 phút và nếu quá 8 giờ thì phải được nghỉ giải lao 60 phút.

- Ít nhất phải có 1 ngày nghỉ hàng tuần hoặc từ 4 ngày nghỉ trở lên trong vòng 4 tuần (ngày nghỉ theo quy định của pháp luật).

Tuy nhiên có thể áp dụng chế độ thời giờ làm việc ngoại lệ không theo nguyên tắc trên nhưng phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

- Ngành nông nghiệp cũng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của Luật tiêu chuẩn lao động.

b) Làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày nghỉ

- Nếu người sử dụng lao động yêu cầu làm việc quá thời giờ làm việc quy định (làm việc ngoài giờ) theo Luật tiêu chuẩn lao động này (thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật) hoặc làm việc vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật (làm việc vào ngày nghỉ) thì phải ký kết thỏa thuận hai bên với người đại diện người lao động.

c) Tăng lương làm việc ngoài giờ, làm việc ngày nghỉ

-Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời giờ quy định của pháp luật (làm thêm giờ) thì phải thanh toán tiền lương cao hơn.

   (1) Tăng từ 25% trở lên so với mức lương thông thường cho thời gian yêu cầu làm việc vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật (làm việc ngoài giờ)

    (2) Tăng từ 35% trở lên so với mức lương thông thường khi yêu cầu làm việc vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật (làm việc vào ngày nghỉ)

    (3) Tăng từ 25% trở lên so với mức lương thông thường khi yêu cầu làm đêm từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng (làm đêm)

* Ví dụ nếu làm việc ngoài thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật và là làm đêm ((1) + (3)) thì tiền lương được nhận sẽ được tăng thêm từ 50% trở lên.

 

(3) Nghỉ có hưởng lương hàng năm

Người lao động làm việc liên tục từ 6 tháng trở lên kể từ khi bắt đầu được tuyển dụng và đã làm việc từ 80% trở lên so với tổng số ngày phải làm việc sẽ có quyền được c hưởng 10 ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm. Sau đó, số ngày phép được lấy lại hàng năm lại tăng lên mỗi năm thêm 1 ngày.

Về nguyên tắc, bạn có thể xin nghỉ có lương trong những mùa vụ làm việc cho phép mà không bị hỏi về mục đích sử dụng để nghỉ ngơi hay vui chơi. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn yêu cầu phép nghỉ có lương vào thời điểm ảnh hưởng đến hoạt động thông thường của công việc, thì việc nghỉ này có thể được thay dời sang thời điểm khác.

Mặt khác, nghiêm cấm người sử dụng lao động mua lại ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm này

 

(4) Tiền lương

- Phương thức thanh toán tiền lương:

+ Về thanh toán tiền lương, người sử dụng lao động sẽ thanh toán (1) bằng tiền mặt, (2) toàn bộ số tiền, (3) mỗi tháng không dưới 1 lần, (4) vào ngày quy định, (5) trực tiếp cho người lao động.

+ Tuy nhiên, nếu chính bản thân người lao động đồng ý thì việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tiết kiệm của chính người lao động do người lao động chỉ định v.v... mà không phải bằng tiền mặt cũng được công nhận. Ngoài ra, trường hợp chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thì cần thỏa mãn tất cả những điều kiện dưới đây.

   a) Được sự đồng ý bằng văn bản của bản thân người lao động

   b) Phải cố gắng thanh toán tiền lương vào ngày đã được quy định là ngày thanh toán tiền lương

   c) Phải cấp Bản tính toán tiền lương (Bản chi tiết lương)

   d) Phải có ký kết thỏa thuận hai bên về việc chuyển khoản. +

Hơn nữa, tiền thuế, phí bảo hiểm xã hội, phí bảo hiểm thất nghiệp v.v…sẽ trừ vào tiền lương, dựa theo quy định pháp luật. Ngoài ra, nếu hai bên ký thỏa thuận trước, tiền nhà và tiền ăn v.v… cũng có thể trừ vào tiền lương.

- Mức lương tối thiểu:

Về số tiền lương, người sử dụng lao động phải thanh toán số tiền không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu do địa phương quy định theo Luật mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu thường được áp dụng là: Lương tối thiểu theo vùng, tỉnh.  Thường được điều chỉnh và thay đổi vào tháng 10 hàng năm.

 

(5) Tham gia bảo hiểm

■Bảo hiểm xã hội:

Tiền bảo hiểm hàng tháng phải sẽ được tính và quy định dựa trên lương. Công ty (người sử dụng lao động) đóng 50% và người lao động (thực tập sinh) đóng 50%. Bảo hiểm  xã hội gồm có:

- Bảo hiểm y tế: 

Bảo hiểm chịu thanh toán một phần phí y tế phát sinh do bệnh tật hoặc chấn thương (đến 70 tuổi là 70%) (phí y tế bản thân phải chịu là 30%).

- Lương hưu(nenkin):

Chu cấp khoản cần thiết cho tuổi già, tàn tật, tử vong (thanh toán lương hưu).

■Bảo hiểm thất nghiệp:

- Trường hợp người lao động bị thất nghiệp thì chu cấp khoản cần thiết để ổn định cuộc sống. Thực tập sinh kỹ năng cũng có thể nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (Trợ cấp cơ bản) nếu bạn đáp ứng một số điều kiện nhất định khi bạn bị thất nghiệp do Đơn vị tiến hành thực tập bị phá sản hoặc hoạt động kinh doanh bị thu hẹp.

- Phí bảo hiểm thất nghiệp do người sử dụng lao động (Đơn vị tiến hành thực tập) và người lao động (thực tập sinh kỹ năng) gánh chịu.

Thực tập sinh kỹ năng phải gánh chịu khoản tiền như sau: Số tiền lương × Tỷ lệ bảo hiểm (ngành nghề thông thường là 0,3%, ngành nghề thuộc nông lâm ngư nghiệp là 0,4%, ngành xây dựng là 0,4%

***Tiền phí bảo hiểm này sẽ được trừ trực tiếp vào lương hàng tháng

 

(6) Thuế thu nhập, thuế cư trú

- Các loại thuế có liên quan đến thực tập sinh kỹ năng bao gồm thuế nhà nước (thuế thu nhập) và thuế địa phương (thuế cư trú) tính trên tiền lương. Đây là các loại thuế mà bất kỳ người nào sinh sống ở Nhật Bản và có thu nhập đều phải nộp.

- Thuế thu nhập được khấu trừ ứng với tiền lương hàng tháng, trong tháng mười hai số tiền thuế phải nộp cho tổng thu nhập trong năm và số tiền thuế đã khấu trừ sẽ được điều chỉnh.

- Thuế cư trú là thuế đánh vào thu nhập của năm trước, nộp cho chính quyền địa phương nơi bạn cư trú (nơi cư trú là nơi bạn đang ở tại thời điểm ngày 1 tháng 1 của năm thứ hai).

Về nguyên tắc, nộp thuế cư trú được chia làm 12 lần, bắt đầu được trừ từ lương hàng tháng, kể từ tháng 6.

- Về việc nộp thuế, trong thời gian bạn đang lưu trú tại Nhật Bản, người sử dụng lao động trừ vào lương hàng tháng để nộp thuế cho nhà nước và chính quyền địa phương. Trường hợp về nước giữa năm tài chính, bạn vẫn phải nộp số tiền thuế còn lại. Ngoài ra, trường hợp không có địa chỉ ở Nhật Bản, và trường hợp không có nơi ở liên tục từ 1 năm trở lên tại Nhật Bản, thì sẽ áp dụng cách xử lý riêng.

-Để biết thêm chi tiết, hãy liên hệ với trụ sở hành chính địa phương hay cục thuế vụ ghi ở mục c) phần “23. Các cơ sở tư vấn, hỗ trợ” hoặc Đơn vị tiến hành thực tập hoặc Đơn vị quản lý.